Bối cảnh Chiến_dịch_Smolensk_(1943)

Sau thất bại chiến lược tại Kursk vào tháng 7 năm 1943, quân đội phát xít Đức đã hoàn toàn mất hết mọi hy vọng giành lại thế chủ động từ tay Hồng quân Liên Xô. Những tổn thất trong cuộc chiến với Liên Xô là rất to lớn, và hơn nữa phần nhiều những tổn thất này lại chính là những binh sĩ dày dạn kinh nghiệm trận mạc, điều này khiến sức chiến đấu của quân Đức giảm sút đáng kể. Họ không thể nào chủ động mở những đợt tấn công mà chỉ có thể giữ thế phòng ngự trước các đợt tấn công của Hồng quân.

Về phía Xô Viết, lãnh tụ Stalin quyết định sẽ tiếp tục thế tiến công có được từ sau thắng lợi mang tính bước ngoặt tại Stalingrad để giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên Xô bị quân Đức chiếm đóng. Hồng quân đã lập ra kế hoạch tấn công vào khu vực sông Dnepr nhằm giải phóng những vùng lãnh thổ của Cộng hòa Xô Viết xã hội chủ nghĩa Ukraina và đẩy quân Đức xa hơn về phía Tây. Bên cạnh đó, nhằm làm suy yếu quân Đức thêm một bước, Hồng quân cũng lập một kế hoạch tấn công vào Smolensk cùng lúc với chiến dịch Dnepr, với mục đích kìm chân một phần lớn quân Đức tại đây và buộc người Đức điều các lực lượng dự bị lên phía Bắc, làm suy yếu lực lượng phòng ngự của Đức ở khu vực sông Dnepr. Cả hai chiến dịch này là một phần của một kế hoạch tấn công chiến lược hè-thu 1943, nhằm mục đích thu hồi càng nhiều càng tốt những vùng lãnh thổ Xô Viết đã bị quân Đức chiếm đóng.

30 năm sau, Nguyên soái Vasilevsky (Tổng tham mưu trưởng Hồng quân năm 1943) đã viềt trong hồi ký như sau:

Kế hoạch này, khổng lồ về cả tính táo bạo và quân số tham gia, được thực hiện thông qua một số chiến dịch quân sự: chiến dịch Smolensk, chiến dịch Donbass, chiến dịch tả ngạn Ukraine,...
— Nguyên soái Vasilevsky, [7]

Địa hình

Bản đồ chiến dịch Smolensk và các chiến dịch liên quan khác.

Vùng đất cao Smolensk được mệnh danh là thượng nguồn của các con sông. Nhiều sông lớn ở Nga và Ukraina như sông Volga, sông Dniepr, sông Bắc Donets, sông Tây Dvina, sông Desna, sông Brezina, sông Ugra và các chi lưu của chúng hầu như đều bắt nguồn từ đây. Bề rộng các con sông dao động trong khoảng 10 đến 120 mét, độ sâu dao động trong khoảng 40 tới 250 cm, nhưng bao quanh các khu vực sông là các đầm lầy rộng lớn gây nhiều khó khăn cho việc di chuyển, nhất là đối với các đơn vị thiết giáp. Hơn nữa, giống như nhiều con sông có hướng chảy từ Bắc xuống Nam ở châu Âu, tả ngạn của sông Dnepr - do quân Đức chiếm giữ - cao và dốc hơn hữu ngạn. Do đặc điểm của địa hình, Quân đội Liên Xô cần nhiều cầu cạn và đường ngầm để đưa xe tăng, cơ giới, pháo binh và xe vận tải qua các con sông, khe hẻm và đầm lầy hơn là cầu phao bắc qua các con sông lớn.[8]

Địa hình vùng này tương đối bằng phẳng, ít đồi núi cao đột xuất nhưng có những khe hẻm núi có sông suối chảy qua và nhiều đầm lầy, nhiều khu rừng lớn hạn chế việc tác chiến của quân đội hai bên. Khu đồi núi có vị trí quan trọng nhất trong vùng có độ cao 270 mét, thuận lợi cho việc triển khai pháo binh. Vào năm 1943 khu vực này được che phủ bởi các khu rừng thông và những khu rừng mưa ôn đới xen lẫn các bụi cây rậm rạp.[9]

Các cơ sở vật chất cho việc giao thông và hậu cần

Đối với Hồng quân Xô Viết, việc tổ chức chiến dịch Smolensk là một khó khăn lớn bởi những vấn đề về giao thông tại khu vực nó diễn ra. Hệ thống đường bộ chưa được phát triển thật sự tốt và các tuyến đường trải nhựa khá hiếm. Sau những trận mưa mùa hè, phần lớn các con đường đất tại đây đều trở thành những vũng lầy (một hiện tượng mà người Nga gọi là rasputitsa) và bò lết trên những bãi lầy đó là một cực hình đối với các đơn vị thiết giáp. Những vũng lầy này cũng đem lại nhiều rắc rối cho vấn đề hậu cần. Tuyến đường sắt chính duy nhất mà Hồng quân có thể sử dụng chính là tuyến Rzhev - Vyazma - Kirov chạy song song với chiến tuyến năm 1942. Tuy nhiên, tuyến đường này và các đường nhánh của nó đã bị phá hoại nặng nề trong Chiến dịch "Con Trâu" khi Cụm Tập đoàn quân Trung tâm (Đức) buộc phải rút khỏi "chỗ lồi" Rzhev - Vyazma.[10]

Trái lại, quân đội phát xít Đức nắm giữ một hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt tốt hơn và mở rộng hơn rất nhiều, với hai trung tâm là SmolenskRoslavl. Hai thành phố này cũng là hai trung tâm hậu cần quan trọng, giúp cho quân Đức có thể nhanh chóng điều động viện binh cũng như cung cấp quân lương, đạn dược cho các đội quân đồn trú. Tuyến đường sắt quan trọng nhất đối với quân Đức chính là tuyến Smolensk - Bryansk và tuyến Nevel - Orsha - Mogilev, kết nối các lực lượng quân Đức ở phía Tây với các lực lượng tập trung xung quanh Oryol.[9]

Hồng quân tất nhiên không để yên cho quân Đức dễ dàng sử dụng các tuyến giao thông này. Các lực lượng du kích quân Xô Viết đã phát động Chiến dịch Hòa tấu - một trong những chiến dịch phá hoại lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai - bao gồm nhiều cuộc tấn công vào các tuyến đường sắt và các nhà ga xe lửa của quân Đức. Du kích Liên Xô đã làm cho "đất đai bùng cháy dưới gót giày quân xâm lược", phá hoại nặng nề các tài sản quân sự Đức, gây khó khăn lớn cho việc chuyển quân và tiếp tế hành quân sự của quân Đức trên các tuyến đường này. Trên tuyến đường sắt Nevel - Orsha - Mogilev - Bobrusk, từ cuối tháng 7 năm 1941 đến tháng 7 năm 1942, quân Đức chỉ bị mất 374 toa xe lửa thì đến tháng 7 năm 1943, con số này đã lên đến 1.200 toa xe bị du kích phá hoại.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Smolensk_(1943) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1943W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1943W/... http://lwp.armiam.com/pictures/lenino1.JPG http://65letpobedy.ax3.net/3.html //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/anischenkov_shurinov/03.h... http://militera.lib.ru/h/grossman/01.html http://militera.lib.ru/h/istomin/01.html http://militera.lib.ru/h/istomin/02.html